Nhiều người yêu nhạc thuộc làm lòng từng câu chữ nhạc phẩm “Không”, nhưng ít ai biết đó là tác phẩm đầu tay đưa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940- 2016) trở thành nhạc sĩ nổi danh sau này. Ra đời khá ngẫu hứng nhưng “Không” gắn với mối tình đầu của người nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi dương cầm tài hoa.
Sự nghiệp bắt đầu từ “Không”
Cách đây 5 thập niên, cuộc đời nghệ sĩ của Nguyễn Ánh 9 tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc công cho các phòng trà khắp Sài Gòn để đệm đàn cho các ca sĩ hát. Nhưng bất ngờ, điều đó đã thay đổi trong chuyến đi Nhật vào tháng 8/1970 cùng với danh ca Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật).
Sau buổi diễn, khi đang đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy Nguyễn Ánh 9 mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng chọc ghẹo: “Còn thương nó không bạn?”. Ý muốn hỏi về người tình trước đây của Nguyễn Ánh 9.
Câu hỏi như đụng thấu tâm can, với cảm xúc dạt dào, Nguyễn Ánh 9 ngẫu hứng cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…” Xong đợt công tác ở Nhật lần đó, khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị Nguyễn Ánh 9 viết tiếp để thành một ca khúc hoàn chỉnh. Trước lời khuyên đó, ông đã hoàn tất tác phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Lúc đầu, Nguyễn Ánh 9 lấy tựa đề bài hát là “Không, không… Tôi không còn yêu em nữa”, với cảm hứng là từ một ca khúc của Christopher mang tên “Non, Non, Je ne t’aime plus”. Về sau, ông cắt gọn tất cả, tựa đề chỉ còn lại một chữ “Không” duy nhất. Và đương nhiên, Khánh Ly là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Danh ca đã thu âm và giới thiệu trong đĩa nhựa có tên “Tình ca quê hương”.
Chính trong giai đoạn đầu thập niên 1970 đó, phong trào nhạc trẻ đang lan rộng tại Sài Gòn, nhạc phẩm “Không” đã được nhóm nhạc trẻ hát lại với tiết nhịp nhanh hơn, trở thành một nhạc phẩm vui nhộn. Và cũng chính từ cách thể hiện ấy đã đưa tên tuổi Elvis Phương nhanh chóng trở nên nổi tiếng. “Không” trở thành ca khúc để đời của nam danh ca này. “Không” còn được nữ diva nổi tiếng toàn châu Á người Đài Loan - Đặng Lệ Quân hát bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Hoa và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Vào năm 1971, Đặng Lê Quân mới chỉ 18 tuổi và sang Việt Nam trong một chuyến lưu diễn ở Sài Gòn. Khi đó, các ca sĩ nước ngoài đến lưu diễn ở Việt Nam thường chọn một hoặc vài bài hát nổi tiếng của nước sở tại để hát, như là một cách giao lưu giữa hai nền văn hóa với nhau. Và ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9 được Đặng Lệ Quân chọn.
Cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng có những kỷ niệm đặc biệt liên quan đến nhạc phẩm này. Một trong số đó là vào những 2000, khi đã ngoài 60 tuổi, hàng đêm, ông vẫn thường xuyên đệm đàn dương cầm tại nhiều phòng trà ở Sài Gòn. Một lần, có vị khách người Nhật đã yêu cầu ông chơi một bản nhạc ngoại quốc có tựa đề khá lạ tai. Vì lịch sự, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đề nghị người khách này hát thử một đoạn dạo đầu để xem liệu ông có thể chơi được hay không. Nhưng ngay khi nghe những nốt đầu tiên của bài hát, ông quá bất ngờ khi nghe được giai điệu quen thuộc của: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”.
Bản nhạc “Không” được chính tác giả của nó chơi say sưa trên những phím dương cầm trước sự kinh ngạc của vị khách người Nhật. Tiếng đàn vừa dứt, vị khách Nhật không kìm chế được sự ngạc nhiên, tò mò hỏi ngay: “Tại sao ông có thể chơi trọn vẹn cả một bản nhạc mà chỉ cần nghe một vài câu đầu tiên?”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mỉm cười và lịch sự trả lời: “Thưa ông! Tôi xin được giới thiệu, tôi chính là tác giả của ca khúc này”. Câu trả lời khiến vị khách Nhật vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy rất thú vị.
Hai mối tình khắc cốt ghi tâm
Hẳn chúng ta đang tò mò về người tình của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong nhạc phẩm “Không” này. Đó là mối tình thời trẻ của nhạc sĩ. Sau mối tình này, ông chỉ có thêm duy nhất mối tình với người vợ tào khang của mình. Cố nhạc sĩ từng thổ lộ mối tình đầu rằng, năm 18 tuổi, ông gặp người con gái này. Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt.
Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn. Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc công nghèo, sống lang bạt kỳ hồ. Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô gái dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người. Để cách ly, cô gái bị bố mẹ bắt sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc công.
Năm 1965, Nguyễn Ánh 9 lập gia đình. Năm 1974, ông gặp lại người tình xưa khi cô về Sài Gòn thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô bị bố mẹ giấu hết thư và không cho liên lạc với ông. Lúc gặp lại ông, cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng oán trách gì. Đã lỡ làng, có xót xa thì cũng đành sống cho hết bi kịch một kiếp người. Họ lại xa nhau, lần này là mãi mãi, để vùi chôn những dấu yêu xưa cũ vào đáy lòng mình.
“Vết bỏng của tình đầu vĩnh viễn không nguôi dịu. Đôi khi tôi cứ nghĩ đó là nỗi đau trời cho. Nếu thành vợ chồng chắc gì tình yêu sống mãi. Vì không có nhau trọn vẹn nên cô ấy mãi trẻ trung, nhẹ nhàng và thanh cao, lúc nào cũng là thiếu nữ đôi mươi trong tâm hồn tôi”, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ. Còn với người vợ tào khang, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cưới bà năm bà 20 tuổi. Vợ ông là diễn viên múa thiết hài đầu tiên của Việt Nam. Cùng làm việc tại phòng trà, ông đánh đàn, bà thì nhảy thiết hài, rồi tình cảm giữa cặp đôi nghệ sĩ nảy nở lúc nào không hay. Sau khi sinh con đầu lòng, vợ ông bỏ lại sân khấu để lo cho gia đình.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và người vợ hiền gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ, cùng gìn giữ hạnh phúc gia đình theo năm tháng. Bà luôn là người vợ hiền, lùi lại đằng sau để chồng tiến bước trên con đường sự nghiệp và sẵn sàng an ủi người bạn đời lúc cô đơn, khó khăn nhất. “Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy. Hạnh phúc của tôi là có được một tình yêu chân thực, một người vợ hiền và những đứa con ngoan. Thế là quá nhiều với một con người rồi”, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng tâm sự.
[Ký ức vui vẻ]