Khi nói về những năm 2000, chiếc xe kẹo kéo huyền thoại bất ngờ xuất hiện trong chương trình. NSND Hồng Vân đột nhiên tiết lộ Tấn Beo cũng từng đi bán kẹo kéo một thời.
Trước tiết lộ của Hồng Vân, Tấn Beo không ngần ngại nhanh chóng tiến lên sâu khấu để thể hiện tay nghề cũ. Nhưng vì đã bỏ nghề hơn 20 năm nay nên anh không còn được thành thạo như trước nữa. Anh chia sẻ trước khi trở thành một diễn viên hài được nhiều người yêu quý, anh đã từng rong ruổi khắp đường phố để bán từng thanh kẹo kéo. Anh còn tâm sự: "Ngày xưa cứ tối đi hát sáng bán kẹo kéo".
Đã có những lúc, tưởng chừng như món quà quê ấy chẳng còn nữa, vậy mà đôi lúc bắt gặp trên đường, một cảm giác xao xuyến lại ùa về.
“Kẹo kéo càng kéo càng dài
Càng dai càng ngọt
Chạy tọt về nhà
Xin bà một xu
Xin bu một hào
Ra mua kẹo kéo
Ai kéo... đây!”
Với rất nhiều người, tiếng rao thân thương này đại diện cho cả một khoảng trời tuổi thơ. Thuở ấy, thường là những buổi chiều mát mẻ chơi cùng lũ bạn trong xóm, ở đâu vọng tới tiếng rao của cô, chú bán kẹo kéo là cả đám hò nhau xúm lại chiếc xe để chờ xem bàn tay điêu luyện khi làm kẹo.
Với nhiều bạn trẻ các thế hệ sau này, cái tên "kẹo kéo" dường như... lạ hoắc, nhiều người còn chẳng từng nghe qua chứ nói gì đến chuyện ăn thử, càng không thể có được những kỷ niệm tuổi thơ dữ dội như những người thuộc thế hệ 9x, 8x trở về trước…
Trong suy nghĩ non nớt của trẻ con khi đó, làm ra được một chiếc kẹo kéo là điều gì đó thần kỳ lắm. Nào là phải đun đường thật nóng cho tới khi chảy thành nước, rồi lại nhào nặn thật nhanh, thật dẻo để ra tạo hình cho kẹo. Rồi còn có cả tin đồn là phải ngâm thóc rồi lấy mầm thóc để chế biến thành kẹo kéo. Sau này tìm hiểu mới biết, thật ra kẹo kéo được làm bằng thứ nguyên liệu rất quen thuộc.
Liệt kê ra thì chỉ có đường, bột vani và nước, thêm ít đậu phộng làm nhân, thế là đủ. Cách làm kẹo kéo thật ra cũng rất đơn giản. Cho đường, bột vani, đổ ít nước xăm xắp rồi đun với mức lửa vừa phải cho đến khi đường keo lại. Chấm đầu đũa vào dung dịch ấy rồi thả vào chén nước, thấy nó không tan ra là đạt yêu cầu để kéo.
Sau đó, người ta đổ đường lên một tấm nilon đã thoa dầu chống dính. Đợi đường nguội bớt thì lấy tay kéo giãn ra rồi gập lại, nhồi đến khi đường thật dẻo, có màu trắng là được.
Mỗi khi có người mua, chú bán kẹo lại dùng một chiếc que nhỏ, kéo ra một miếng đường rồi quấn lại. Mấy đứa trẻ chỉ chờ có thế, tay cầm miếng kẹo hân hoan kéo qua kéo lại. Kẹo kéo ngọt khé cổ, ăn lại còn dính răng, thế mà chẳng hiểu sao vẫn thích mê.